Khái quát Thái_thượng_Thiên_hoàng

Lịch sử

Năm Trì Thống thứ 11 (697), ngày 22 tháng 8 (dương lịch), Thiên hoàng Jitō thoái vị, nhường ngôi cho Thiên hoàng Monmu, tự xưng "Thái thượng Thiên hoàng", bắt đầu một thời kỳ Thái thượng Thiên hoàng của Nhật Bản. Truyền thống này kéo dài đến tận thời Edo, với vị Thái thượng Thiên hoàng gần nhất là Thiên hoàng Kōkaku, như vậy tổng cộng trong lịch sử Nhật Bản đã có 59 vị Thái thượng Thiên hoàng.

Trước đó, Thiên hoàng Kōgyoku từng nhường ngôi cho em trai Thiên hoàng Kōtoku, nhưng vào lúc đó Thiên hoàng Kōgyoku vẫn chưa xưng tước hiệu "Thái thượng Thiên hoàng", mà chỉ được gọi là「Hoàng tổ Mẫu tôn; 皇祖母尊」, sau đó không lâu bà lại tiếp tục trở lại vị trí Thiên hoàng.

Năm 1817, ngày 9 tháng 5 (tức ngày 24 tháng 3 năm Văn Hóa thứ 14), Thiên hoàng Kōkaku tuyên bố thoái vị, nhường ngôi cho Thiên hoàng Ninkō. Ông là Thái thượng Thiên hoàng cuối cùng trước thời Minh Trị, vì sau đó Thiên hoàng Meiji sửa lại luật pháp, Hoàng thất điển phạm không thừa nhận Thiên hoàng thoái vị nữa. Mãi đến năm 2017, ngày 9 tháng 6, Hiến pháp Nhật Bản lại tiếp tục được sửa "Đặc biệt dự luật"[1], thông qua việc Thiên hoàng Akihito bày tỏ ý muốn thoái vị. Như vậy, ngày 30 tháng 4 năm 2019, Thiên hoàng Akihito sẽ chính thức cử hành đại lễ nhường ngôi cho Hoàng thái tử Naruhito, trở thành vị "Thượng hoàng" tiếp theo sau hơn 200 năm của Nhật Bản.

Quyền lực

Khi Đại Bảo pháp lệnh (大寶律令) được ban hành, quy định cho Thái thượng Thiên hoàng vẫn rất mịt mờ, Thái thượng Thiên hoàng cùng Thiên hoàng đều có thể Viện tuyên (院宣; nghĩa là "Tuyên chỉ"), như vậy quyền lực của Thái thượng Thiên hoàng trên thực tế cũng như Thiên hoàng đều ngang nhau. Một Thái thượng Thiên hoàng có thể lập nên Viện thính (院廳) cùng Viện tàng nhân (院藏人), hình thành cơ quan chính trị ngang hàng với Thiên hoàng.

Thời cuối của thời Heian, trạng thái Nhiếp chính quan do quan hệ ngoại thích của Thiên hoàng đã bị chế độ Viện chính (院政) thay thế. Rất nhiều Thái thượng Thiên hoàng nổi danh trong lịch sử đều thuộc về thời kỳ này, như Thiên hoàng Shirakawa - một trong những Thái thượng Thiên hoàng quyền lực nhất trong lịch sử. Theo ngôn ngữ Nhật Bản, những Thái thượng Thiên hoàng tuy thoái vị nhưng vẫn quyền lực được gọi là 「Trị thiên chi Quân; 治天之君; ちてんのきみChiten no Kimi」.

Biến động

Truyền thống cho rằng, Thiên hoàng khi tại vị mà băng hà thì rất xui xẻo, vì vậy trong lịch sử Nhật Bản không ít các trường hợp Thiên hoàng phải thoái vị, thu nhận tôn xưng Thái thượng Thiên hoàng sau đó mới từ từ chậm rãi qua đời. Ví dụ cụ thể nhất là Thiên hoàng Daigo tại vị 8 ngày, Thiên hoàng Ichijō tại vị 10 ngày cùng Thiên hoàng Go-Suzaku tại vị 3 ngày.

Tuy nhiên, dù các Thái thượng Thiên hoàng phần lớn sẽ được Thiên hoàng kế nhiệm tôn xưng không lâu sau đó, nhưng điều này không có nghĩa cứ Thiên hoàng nào thoái vị thì sẽ lập tức được gọi là Thái thượng Thiên hoàng. Ví dụ như Thiên hoàng Ninmyō, nhường ngôi cho con trai Thiên hoàng Montoku, liền 1-2 ngày sau đã băng hà, chưa kịp tôn xưng. Hoặc như Thiên hoàng Junnin, Thiên hoàng Antoku cùng Thiên hoàng Chūkyō là những Thiên hoàng bị phế truất, ngôi vị bất cập, không thể gia xưng được.

Trái lại, những vị như Thiên hoàng Kōgon cùng Thiên hoàng Sukō, đều là sau khi bị phế lại được gia tặng tôn hiệu Thái thượng Thiên hoàng. Ashikaga Yoshimitsu sau khi mất, được truy tặng "Thái thượng Thiên hoàng", nhưng bị con trai Ashikaga Yoshimochi hủy bỏ. Từ năm 1301 đến năm 1304, Nhật Bản có tới 5 vị Thái thượng Thiên hoàng, gồm Thiên hoàng Go-Fukakusa, Thiên hoàng Kameyama, Thiên hoàng Go-Uda, Thiên hoàng Fushimi cùng Thiên hoàng Go-Fushimi. Đây là trường hợp hi hữu duy nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Mặt khác, trong lịch sử Nhật Bản cũng có những trường hợp chưa từng lên ngôi Thiên hoàng, nhưng do con trai trở thành Thiên hoàng mà được tôn xưng Thái thượng Thiên hoàng hoặc có đãi ngộ cùng cấp với Thái thượng Thiên hoàng, đó gọi là thể chế 「Chuẩn Thái thượng Thiên hoàng; 准太上天皇」. Như Thân vương Morisada (Thủ Trinh Thân vương; 守貞親王) - cha của Thiên hoàng Go-Horikawa, cùng Thân vương Fushiminomiya Sadafusa (Phục Kiến cung Trinh Thành Thân vương; 伏見宮貞成親王) - cha của Thiên hoàng Go-Hanazono. Về sau, sự dâng tôn trở nên khắc khe, không phải vị Thiên hoàng nào cũng có thể truy tôn cho cha ruột, như bản thân Thiên hoàng Kōkaku muốn truy tặng cho cha là Thân vương Kusanori Norinhita (Nhàn Viện cung Điển Nhân Thân vương; 閑院宮典仁親王), nhưng đều bị quần thần phản đối, xảy ra Tôn hiệu sự kiện gây bất bình.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thái_thượng_Thiên_hoàng http://books.google.com/books?id=18oNAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=18oNAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=18oNAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=18oNAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=18oNAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=18oNAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=18oNAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=18oNAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=18oNAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=18oNAAAAIAAJ&pg=P...